Hệ sinh thái ngân hàng mở đang phát triển mạnh mẽ với những tác động to lớn và tích cực tới tài chính toàn cầu, đã đến lúc cả thế giới cùng chứng kiến các chương tiếp theo của tài chính mở (Open finance) và dữ liệu mở (Open data).
Trên thực tế, ngân hàng mở ra đời một cách khá tình cờ. Trước đây, tại Anh, khi các công ty fintech mới thâm nhập vào thị trường thanh toán bán lẻ, nhưng chưa có một quy định nào cụ thể về cách thức hợp tác hay quản lý khi các bên cùng tham gia. Một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành bởi Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã chỉ ra rằng, ngành ngân hàng bán lẻ tại Anh đang độc quyền ở thị trường nước này. Chính kết quả nghiên cứu này đã tạo ra một cú huých thúc đẩy việc ban hành các quy định tài chính mở trên phạm vi toàn cầu, nhằm cải thiện tính cạnh tranh và phát triển kinh tế.
Từ đó, khái niệm về ngân hàng mở ra đời, các nội dung được quy định cụ thể trong chỉ thị PSD2 của Nghị viện Châu Âu, đồng thời các khái niệm như Nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài khoản (AISP – tổng hợp dữ liệu người dùng từ nhiều tài khoản) và Nhà cung cấp dịch vụ khởi tạo thanh toán (PISP – cung cấp dịch vụ thanh toán liên tài khoản) cũng được định nghĩa rõ ràng.
Sự ra đời của ngân hàng mở khuyến khích các ngân hàng đầu tư vào công nghệ API và phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức fintech trên khắp châu Âu. Trong đó, các ngân hàng Bắc Âu là những tổ chức đầu tiên đón nhận khái niệm này một cách nhiệt tình nhất.
Không phải mô hình ngân hàng mở nào cũng giống nhau
Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, các ngân hàng khu vực Bắc Âu có đầy đủ cơ hội và công nghệ để phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở nhờ sự cấp tiến của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như cách đón nhận của người tiêu dùng. Nếu như ở các nước Bắc Âu, các ngân hàng top đầu lo sợ mất khách hàng nên khá nhanh nhạy ứng dụng các tiến bộ công nghệ tài chính mở. Trong khi đó, tại Anh, người dùng ở đây lại khá thận trọng vì những lo sợ về gian lận, thiếu bảo mật dữ liệu cá nhân hay API không ổn định,…
Một yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công ở các nước Bắc Âu, đó là các ngân hàng tự trở thành các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba (TPPs), thay vì để cho các đối thủ cạnh tranh sáng tạo hơn giành lấy thị phần. Có thể kể đến trường hợp ngân hàng Danske hoạt động ở cả bốn thị trường lớn ở Bắc Âu với ứng dụng thanh toán ra mắt vào nửa đầu năm 2018, sau đó cả năm, giao diện tài khoản ngân hàng giữa người tiêu dùng và người bán mới thực sự hoàn thiện. Danske cũng cho phép khách hàng thanh toán từ các ngân hàng khác trong ứng dụng ngân hàng của mình. Những chuyển đổi nhanh chóng này có được là nhờ một số yếu tố đặc thù ở Bắc Âu, trong đó có việc người dân ngày càng ít sử dụng tiền mặt và cũng như sự phát triển của công nghệ định danh kỹ thuật số tại Bắc Âu.
Trái ngược với Bắc Âu, cùng thời điểm ấy tại Anh, những nỗ lực tạo ra các ứng dụng ngân hàng mở vẫn chưa được đón nhận rộng rãi từ người dùng do các rào cản đề cập phía trên. Để khắc phục những rào cản này, Cơ quan triển khai ngân hàng mở của Anh (OBIE) đã tạo ra một cửa hàng ứng dụng để cả người dùng cũng như doanh nghiệp có thể tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ tài chính bổ trợ cho tài khoản ngân hàng trực tuyến của họ.
Các điều luật không phải là rào cản mà được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ người dùng
Tại nhiều quốc gia, tình trạng công nghệ phát triển nhanh hơn luật pháp gây ra nhiều thách thức cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp: cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc thiết lập khung pháp lý phù hợp, trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với sự không chắc chắn về quy định, làm chậm quá trình cung cấp các dịch vụ mới đến tay người tiêu dùng. Song, không thể phủ nhận vai trò to lớn của luật pháp trong việc bảo vệ người dùng, bảo vệ các bên tham gia hệ sinh thái ngân hàng mở cũng như tạo ra sự thay đổi và truyền động lực đổi mới sáng tạo.
Là những tổ chức tổng hợp dữ liệu tiên phong tại châu Âu – MoneyHub (thành lập năm 2009, Anh), Bankin (thành lập năm 2011, Pháp) và Spiir (thành lập năm 2011, Đan Mạch) – đã phát triển mạnh mẽ tới thời điểm hiện tại. Các tổ chức này và khách hàng của họ là những bằng chứng mạnh mẽ của việc người dùng tin vào lợi ích của việc chuyển tiền giữa các tài khoản và thực hiện thanh toán bất kể tài khoản của họ đang ở ngân hàng nào. Bên cạnh đó, cũng có các bên tổng hợp dữ liệu khác nhằm duy trì sự cạnh tranh, đảm bảo rằng các phương thức giao dịch này thực sự giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và giảm chi phí.
Trên thực tế, khi các ứng dụng tổng hợp tài khoản có thêm tính năng thanh toán tiện lợi, số lượng người dùng đã tăng theo cấp số nhân. Điều này cho thấy sự tương tác tích cực giữa các công ty công nghệ và cơ quan quản lý. Tại Bắc Âu – nơi các ngân hàng và tổ chức fintech đã đi trước các cơ quan quản lý, tận dụng API từ lâu, không chỉ vì tuân thủ quy định PSD2 mà các tổ chức này mong muốn tạo ra các ứng dụng thực sự hữu ích cho người dùng.
Định danh kỹ thuật số thúc đẩy tài chính mở và dữ liệu mở
Trong các lĩnh vực ít giao dịch, như ngành năng lượng, định danh số giúp thúc đẩy tốc độ phát triển của các sản phẩm và dịch vụ cũng như sự tiếp nhận của người tiêu dùng. Bắc Âu là một ví dụ về việc áp dụng định danh số trong ngân hàng cho các mục đích thương mại. Kết quả, định danh số được sử dụng khá phổ biến ở Bắc Âu, giúp tăng tốc quy trình xác thực khách hàng, giờ đây, các công ty fintech không chỉ cạnh tranh với ngân hàng mà còn có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và ghi nợ (vốn có điểm yếu về lưu trữ thông tin khách hàng trực tuyến).
Nhìn chung, các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng nên sử dụng định danh số. Bởi định danh số giúp đẩy nhanh tiến độ ở mọi lĩnh vực.
Dữ liệu mở tạo điều kiện cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Sau một thời gian triển khai và được đón nhận, ngân hàng mở phát triển nhanh hơn so với nhận định ban đầu. Giờ đây, người dùng có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp lịch sử giao dịch, hình ảnh nhận dạng và các thông tin khác tới bất kỳ ngân hàng hoặc bên thứ ba nào mà họ muốn. Người dùng cũng có thể dễ dàng thay đổi tài khoản, đăng ký khoản vay hoặc đăng ký thẻ tín dụng với các nhà cung cấp mới. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể quản lý lịch sử tài chính ở một nền tảng duy nhất, không phải mất thời gian chuyển đổi giữa các ứng dụng.
Hành trình này ngày càng có sức hút mạnh mẽ, khi những nhân tố mới cũng sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi”. Trong tương lai, các tổ chức không thuộc ngành tài chính cũng sẽ sử dụng dữ liệu mở để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa mạnh mẽ dựa trên sự kiểm soát của người dùng đối với dữ liệu của chính họ. Những “nhân tố mới” sẽ giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và được cung cấp các dịch vụ cần thiết, phù hợp với nhu cầu của họ. Bất kỳ dịch vụ nào giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đều thành công trong hành trình chinh phục người dùng.
Dữ liệu mở – Cơ hội cho những người dẫn đầu
Tiếp cận với ngân hàng mở và tài chính mở đứng từ cương vị cơ quan quản lý hay người dùng đều là những bài toán không chỉ một sớm một chiều có thể giải quyết được, mà là cả một quá trình liên tục và xuyên suốt. Và sẽ cần quan tâm nhiều hơn nữa khi các sáng kiến công nghệ về dữ liệu mở ra đời. Trong tương lai, để dữ liệu mở tạo ra những thay đổi tích cực, sự rõ ràng trong những quy định và tiêu chuẩn pháp lý là điều kiện tiên quyết, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan quản lý cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia để thống nhất về các tiêu chuẩn cần được đáp ứng khi trao đổi dữ liệu.
Kết lại, cả thế giới đang chứng kiến sự phát triển cũng như những lợi ích mà ngân hàng mở mang lại. Đã đến lúc, chúng ta cùng đặt thêm các mục tiêu tiếp theo trong kỷ nguyên tài chính mở và dữ liệu mở. Có thể sẽ cần thêm thời gian, song đây chính là động lực để phát triển nền kinh tế, công nghệ toàn cầu.
Nguồn: https://blog.nordicapigateway.com/from-open-banking-to-open-finance-to-open-data
Về SAVIS Group và giải pháp SAVIS Open Banking Platform
SAVIS Group là nhà cung cấp dịch vụ tin cậy dẫn đầu thị trường và nằm trong TOP 10 doanh nghiệp Công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Với kinh nghiệm 20 năm thành lập và phát triển, SAVIS khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường về Nền tảng – Dịch vụ – Giải pháp Chuyển đổi số, An toàn thông tin và Fintech.
SAVIS Open Banking Platform là hệ giải pháp chuyên biệt dành riêng cho ngành Tài chính – Ngân hàng, do SAVIS Group phát triển, đáp ứng yêu cầu về pháp lý – công nghệ tạo ra sự kết nối và xây dựng hệ sinh thái tài chính số. SAVIS Open Banking Platform sở hữu những lợi ích vượt trội:
- Sáng tạo hệ sinh thái tài chính số kết nối liên thông với khu vực ASEAN và EU
- Giảm thiểu tối đa rủi ro dựa trên các nền tảng công nghệ được chứng thực về độ an toàn, bảo mật cấp độ Quốc tế (PSD2, eIDAS, GDPR…)
- Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật khắt khe của mô hình Open Banking trên thế giới (Berlin Group, UK Group, Monetary Authority of Singapore, Aust ralian Competition and Consumer Commission, Hong Kong Monetary Authority…)
- Mở rộng các tính năng vượt qua ranh giới Open Banking: tận dụng toàn bộ sức mạnh của công nghệ hạ tầng Open API cho Open Finance, Open Gov , Open Healthcare… với nền tảng Microservice
- Cung cấp hệ giải pháp toàn diện, đầu – cuối theo nhu cầu đa dạng của các tổ chức, doanh nghiệp Tài chính – Ngân hàng tại Việt Nam
Ứng dụng ngân hàng mở là chìa khoá giúp ngành tài chính bứt tốc tăng trưởng. Kết nối ngay với chuyên gia của SAVIS để tận dụng và trải nghiệm tính năng, lợi ích từ ngân hàng mở – Open Banking ngay hôm nay!