Bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước

Chiều ngày 08/7/2020, tại Hà Nội, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước”.

Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc Hội thảo

Đến dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ. Về phía các đại biểu khách mời có đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, cùng đại diện các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Hội liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các công ty và các đầu mối trong Ban Cơ yếu Chính phủ.

Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2020-2025”. Trong đó, Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu đề xuất giải pháp xác thực tài liệu lưu trữ điện tử được ký số có thời hạn bảo quản lâu dài, vĩnh viễn hoàn thành trong năm 2021. Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ phải bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống bộ máy nhà nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 458/QĐ-TTg; đánh giá hiện trạng công tác lưu trữ tài liệu điện tử đang được triển khai tại các cơ quan nhà nước và xác định rõ vai trò của các cơ quan, đơn vị trong nhiệm vụ bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tại Hội thảo, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, Bộ Nội vụ sẽ là đầu mối đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2020 – 2025”. Ông cũng chia sẻ thêm, Việt Nam là quốc gia có tên trên bản đồ về sở hữu hệ thống lưu trữ phát triển trên thế giới vì được kế thừa một truyền thống về lưu trữ lâu đời. Đặc biệt, Việt Nam có một di sản lưu trữ đồ sộ và trong đó có những di sản được thế giới công nhận. Kể từ khi Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử cùng với sự ra đời của Trục liên thông văn bản quốc gia, ngành lưu trữ buộc phải chuyển đổi để bắt kịp với xu thế của thời đại.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Những văn bản của nhà nước, các văn bản giữa các Bộ, ngành và giữa các địa phương lưu thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia đều là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng. Trước đây, với văn bản, tài liệu giấy được xác thực bằng chữ ký và con dấu của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền sẽ được đưa vào lưu kho vĩnh viễn mà vẫn đảm bảo tính pháp lý. Nhưng văn bản điện tử cần có một cơ quan đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là cơ quan thứ ba với nhiệm vụ định danh, xác thực người dùng thông qua hệ thống chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật và giá trị pháp lý khi thực hiện trên môi trường điện tử. Vì thế Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ đang và sẽ ở trong một mối quan hệ cơ hữu, phụ thuộc lẫn nhau.

Cũng tại Hội thảo, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) cũng đã giới thiệu khung lưu trữ số, lưu trữ điện tử lâu dài, xác thực tài liệu điện tử cho lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để xây dựng kho lưu trữ số tập trung cần đồng thời hoàn thiện hai vấn đề cốt lõi là khung pháp lý và khung kỹ thuật.

Ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số trình bày tham luận tại Hội thảo

Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chia sẻ về hiện trạng triển khai chữ ký số, tổng quan mô hình dịch vụ chứng thực chữ ký số của Việt Nam, các sản phẩm chữ ký số, kết quả triển khai chữ ký số phục vụ Chính phủ điện tử. Cụ thể, hầu hết các cơ quan Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích hợp chữ ký số vào các hệ thống điều hành tác nghiệp (hiện có 84/95 đầu mối chiếm 88%); việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ rất cao (có nhiều cơ quan đạt trên 95%); các dữ liệu công dân được số hóa, quản lý chung, khai báo một lần. Đồng thời cũng nêu đề xuất, kiến nghị của Ban Cơ yếu Chính phủ về việc triển khai lưu trữ tài liệu điện tử.

Bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận được đưa ra đều tập trung vào những vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo, cùng chia sẻ kinh nghiệm về công tác lưu trữ, xác thực tài liệu điện tử ký số, định hướng các giải pháp về bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đề xuất mô hình, giải pháp hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử.

Kết luận Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá cao các ý kiến tham gia đóng góp tại hội thảo. Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung, nhanh chóng nghiên cứu đề xuất giải pháp xác thực tài liệu lưu trữ điện tử được ký số có thời hạn bảo quản lâu dài, vĩnh viễn, hoàn thành năm 2021. Trong đó, đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả trong vấn đề bảo mật và xác thực tài liệu điện tử lưu trữ lâu dài trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Theo Tạp Chí An toàn Thông tin

Facebook
Twitter
LinkedIn
Translate »