WeBank: Góc nhìn từ ngân hàng số hàng đầu thế giới 

WeBank: Góc nhìn từ ngân hàng số hàng đầu thế giới

Table of Contents

WeBank – ngân hàng số có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã trở thành ngân hàng số có quy mô lớn nhất toàn cầu bằng những công nghệ hàng đầu hiện nay: AI, blockchain, Cloud computing và Big data… với mục tiêu cung cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện cho các cá nhân chưa tiếp cận dịch vụ tài chính-ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).  

Đây là nội dung phỏng vấn độc quyền với Giám đốc điều hành của WeBank, Henry Ma, về chuyển đổi số trong lĩnh vực Ngân hàng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu điều gì khiến WeBank trở nên khác biệt và thành công.  

Giám đốc điều hành của WeBank, Henry Ma

Tác giả Jim Marous, đồng xuất bản tờ báo The Financial Brand, Giám đốc điều hành của Digital Banking Report và người dẫn chương trình phát thanh Banking Transformed: “Khi bạn nghĩ tới các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, chúng ta phải bắt đầu với WeBank – ngân hàng số đầu tiên được hỗ trợ bởi Tencent ở Trung Quốc. Được thành lập vào cuối năm 2014, WeBank đã có sự phát triển vượt bậc với công nghệ số được đánh giá là tốt nhất trong ngành.  

Cho tới nay, WeBank có hơn 362 triệu khách hàng và là ngân hàng dẫn đầu về các dịch vụ về tài sản, khoản vay, lợi nhuận ròng, lợi tức trên vốn và các danh mục chính khác trong lĩnh vực ngân hàng số của Trung Quốc. WeBank được thành lập với sứ mệnh cung cấp các dịch vụ ngân hàng với giá thành hợp lý, dễ tiếp cận, hiệu quả và bền vững cho các cá nhân chưa có cơ hội tiếp cận cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Đôi nét về WeBank  

Henry Ma: WeBank là ngân hàng tư nhân và là ngân hàng số đầu tiên tại Trung Quốc, được thành lập vào cuối năm 2014. WeBank hoạt động tập trung vào việc nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng của các dịch vụ tài chính tới các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ chưa hoặc đã bắt đầu tiếp cận các dịch vụ ngân hàng… đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs (nhỏ và vừa), hay DN siêu nhỏ tại Trung Quốc.  

WeBank là ngân hàng tư nhân và là ngân hàng số đầu tiên tại Trung Quốc

Tận dụng những công nghệ tiên tiến để thúc đẩy mô hình kinh doanh, nghiên cứu và triển khai hàng loạt các ứng dụng thông qua bốn lĩnh vực ABCD của Fintech là AI, Blockchain, điện toán đám mây (Cloud) và Big Data. Sản phẩm và dịch vụ tài chính của WeBank đã tiếp cận và phục vụ hơn 350 triệu khách hàng cá nhân và hơn 3,4 triệu khách hàng SME.  

Công nghệ là yếu tố cốt lõi của sự phát triển 

 Henry Ma: WeBank hoạt động dựa trên hạ tầng công nghệ được xây dựng và thiết kế nội bộ, với khả năng xử lý hàng tỷ giao dịch trên một ngày. Các giao dịch mà ngân hàng số này xử lý hoàn toàn khác với những gì ngân hàng truyền thống sẽ xử lý, dựa trên sự đa dạng trong phân khúc khách hàng, với rất nhiều giao dịch tài chính có giá trị thấp.  

WeBank hiện chỉ hoạt động với hơn 2.000 nhân viên nhưng hơn 56% trong số họ là nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ và R&D. Họ là nhà lập trình, viết mã, thiết kế kiến trúc hoặc là nhà khoa học dữ liệu. Chúng tôi tập trung tối đa vào công nghệ mã nguồn mở và phần cứng thương mại/phần cứng bán sẵn (commoditized hardware) để tăng hiệu suất tối đa đồng thời hạn chế chi phí ở mức thấp nhất.  

Xác định thị trường mục tiêu 

 Henry Ma: Hiện chúng tôi đang hướng tới thị trường gồm các khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. Nhiều khách hàng của chúng tôi ngoài các doanh nghiệp với quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ thậm chí sẽ là các hộ kinh doanh cá thể – thị trường vốn bị các ông lớn ngành ngân hàng truyền thống lướt qua. Bằng công nghệ, chúng tôi đã và đang cố gắng giải quyết bài toán tài chính này.  

Điều mấu chốt là cố gắng làm sao để giải quyết thị trường này với một cấu trúc chi phí rất khác biệt. Đây cũng là lý do tại sao các ngân hàng truyền thống đã lựa chọn không tham gia thị trường này, khi mà chi phí để vận hành mô hình kinh doanh bền vững dựa trên cấu trúc chi phí mà họ đang quản lý là quá lớn.  

Nếu nhìn vào chi phí mà WeBank đã bỏ ra hàng năm, chi phí hoạt động cho mỗi tài khoản chỉ khoảng 3,6 Nhân dân tệ, hoặc khoảng 0,5 đô la Mỹ. Các ngân hàng truyền thống ở Trung Quốc đang phải chi trả gấp 10 lần con số này. Đối với các ngân hàng đa quốc gia, con số có thể cao gấp 20 hoặc 30 lần. Vì vậy, tiết kiệm chi phí tối ưu cho phép WeBank có đủ tài chính để cung cấp dịch vụ cho thị trường mục tiêu, thị trường có khả năng chi trả thấp.  

Với WeBank, khách hàng nhỏ, giá trị lớn 

Henry Ma: Phần lớn khách hàng mà WeBank phục vụ không thực sự có quy mô giao dịch hay mang lại nguồn doanh thu quá lớn. Nếu nhìn vào các con số trên báo cáo tài chính hàng năm của WeBank vào năm 2019, thì doanh thu trung bình mà WeBank thu được từ mỗi người dùng chỉ khoảng $10 dô la Mỹ. Nếu so sánh, con số này ở ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc thường cao gấp 10 lần, và đối với các ngân hàng nước ngoài, có thể gấp 20 hoặc 30 lần.  

Dĩ nhiên, WeBank vẫn có lợi nhuận, và bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2015. WeBank giải quyết việc tài chính bằng cấu trúc chi phí mới không theo phương pháp truyền thống để hướng tới xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Điều này cho phép WeBank đạt được mục tiêu tài chính toàn diện, bất chấp các khoản lỗ/ nợ xấu từ khách hàng.  

Sự đơn giản và nhanh chóng tác động tích cực lên dòng sản phẩm  

Henry Ma: Những ảnh hưởng tích cực khi phát triển ngân hàng số và cung cấp dịch vụ tài chính số cần được nhìn nhận từ hai góc độ. Khi khách hàng đăng ký vay tín dụng từ WeBank, họ chỉ cần chưa đến năm giây. Trên thực tế, năm giây là tốc độ mà chúng tôi cam kết khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thứ hai là khi khách hàng có nhu cầu rút tiền, chỉ cần vài nhấp chuột là có thể rút tiền và tiền sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng được liên kết trong vòng vài phút. Trên thực tế, thông thường, tiền sẽ được đưa ra khỏi ngân hàng của chúng tôi trong vòng một giây. Và đa số thời gian là dành cho ngân hàng bên nhận tiếp nhận tiền và xử lý các giao dịch. Đây là trải nghiệm khách hàng mà chúng tôi đang nỗ lực cung cấp hướng đến.  

Khả năng tiếp cận tín dụng 

Henry Ma: Là một ngân hàng số với mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu từ mọi phân khúc khách hàng, chúng tôi cung cấp dịch vụ trên rất nhiều nền tảng internet. Về cơ bản, WeBank “nhúng” các sản phẩm tài chính của mình vào nền tảng của đối tác; tận dụng dữ liệu và cơ sở người dùng mà những nền tảng này khai thác được, đồng thời thực hiện các hoạt động không cần thẩm định đối với người dùng. Khi WeBank làm việc với một nền tảng cụ thể, người dùng sẽ được thẩm định trước và nhận được lời mời sử dụng dịch vụ. Khi người dùng chấp nhận lời mời, dựa trên các thông tin họ đã cung cấp, WeBank sẽ đưa ra một số đề xuất về loại tín dụng phù hợp với người dùng   

Khi người dùng chấp thuận cung cấp thông tin, WeBank bắt đầu thu thập các nguồn dữ liệu khác nhau, sau đó xử lý dựa trên thuật toán kết hợp thời gian thực và đưa ra kết quả cuối cùng là các sản phẩm/dịch vụ tín dụng phù hợp nhất cho khách hàng. Mọi hoạt động đề có thể thực hiện trên thiết bị di động, khách hàng thậm chí không cần phải ra chi nhánh hay gặp giao dịch viên,… để đăng ký tín dụng. Để tất cả quy trình này được thực hiện trên môi trường điện tử, đặc biệt là thiết bị di động, WeBank nỗ lực cung cấp trải nghiệm người dùng với quy trình nghiêm ngặt, không gián đoạn, phản hồi nhanh chóng.  

Ứng dụng sinh trắc học  

Henry Ma: Chúng tôi sử dụng sinh trắc học để xác minh danh tính của khách hàng. Đây cũng là công nghệ mà đại đa số khách hàng của WeBank đã rất quen thuộc.  

Các sản phẩm và dịch vụ được cập nhật nhanh chóng như thế nào?  

Henry Ma: Chúng tôi có thể thực hiện hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn bản cập nhật chỉ trong một tháng. Không giống như những ngân hàng trước khác với mục tiêu kiểm soát toàn bộ thay đổi để giảm thiểu rủi ro, WeBank lựa chọn hướng đi linh hoạt hơn vì hoạt động dựa trên nguyên tắc phân tán. 

WeBank có thể chạy cùng lúc 100 mã tiền gửi và 100 mã khoản vay khác. Vì vậy, mỗi khi chúng tôi muốn thay đổi hoặc nâng cấp đối với hệ thống của mình, chúng tôi chọn ngẫu nhiên một, hai mã, áp dụng các bản cập nhật, tính năng mới, sản phẩm mới trên các mã đó và sau đó dùng thử với khách hàng mới.  

Cũng vì chỉ thay đổi các tính năng của sản phẩm cho một tỷ lệ khách hàng rất nhỏ, nên khi có vấn đề, sẽ rất dễ để xử lý vì lỗi chỉ xảy ra với quy mô rất nhỏ. Đó cũng là cách chúng tôi quản lý và duy trì tính khả dụng cao cho nền tảng dịch vụ của mình. Sau khi thẩm định trong một hoặc hai tuần, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm ra rộng rãi và thử nghiệm thực tế với khách hàng. 10 ngày là kỷ lục mà chúng tôi đạt được khi triển khai từ ý tưởng đến sản xuất.  

Tận dụng AI, Blockchain, Điện toán đám mây và Dữ liệu lớn mang lại lợi thế cho ngân hàng số  

Henry Ma: Các công nghệ của fintech cho phép chúng tôi tối ưu hóa hiệu quả và cải thiện trải nghiệm người dùng. Chúng tôi muốn mở rộng quy mô một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí hợp lý và hạn chế rủi ro tối đa.  

Chúng tôi điều hành dịch vụ khách hàng dựa trên trí tuệ nhân tạo AI. Trung bình 1 ngày, chúng tôi phải xử lý hơn 1 triệu yêu cầu. 98% tổng số câu hỏi của khách hàng hiện được chat bot xử lý.  

Với công nghệ block chain, chúng tôi có khả năng ghi lại rất nhiều chi tiết về thông tin giao dịch làm bằng chứng số, với giá trị pháp lý vững chắc.  

Với điện toán đám mây, mọi thứ đều chạy trên một private cloud, không dựa vào các công nghệ độc quyền, cho phép ngân hàng số WeBank đạt được khả năng mở rộng tới hàng trăm triệu giao dịch trong một ngày với chi phí rất thấp và tính sẵn sàng cao. Về mặt tổng thể, hệ thống của chúng tôi hầu như đáp ứng những tiêu chuẩn vận hành dịch vụ liên tục của ngành viễn thông.  

Cuối cùng, chúng tôi sử dụng Big Data để thực hiện thẩm định phát hành và tiếp thị sản phẩm; tiếp cận từng nhóm khách hàng cụ thể, những người có thể đang cần các sản phẩm tài chính mà chúng tôi cung cấp. Vì vậy, đây là những cách mà chúng tôi áp dụng công nghệ này để giải quyết các yêu cầu về kinh doanh mà chúng tôi đang đối mặt.  

WeBank hướng tới ngân hàng mở  

Henry Ma: Câu trả lời là có. Trên thực tế, WeBank sử dụng rất nhiều công nghệ mã nguồn mở để xây dựng toàn bộ kiến trúc ngân hàng của mình. Chúng tôi tin rằng ngân hàng mở không chỉ có API mở. Chúng tôi có chiến lược xoay quanh ba mô hình mở, đó là nền tảng mở, công nghệ mở và cộng tác mở.  

Chúng tôi tin rằng “đổi mới và hợp tác mở” là mục tiêu tiếp theo của ngân hàng mở. Công nghệ mã nguồn mở mang lại vô số lợi ích, cả ngắn hạn và dài hạn cho các tổ chức theo mô hình số. Ngân hàng mở sẽ giúp chúng tôi sớm đưa ra nền tảng công nghệ không những cho ngành tài chính ngân hàng số, mà cả những lĩnh vực khác. Chúng tôi tin rằng, khi WeBank và các đối tác sẵn sàng, chúng tôi có thể bước sang giai đoạn tiếp theo – giai đoạn của hợp tác mở, nơi các kết nối và tương tác là không giới hạn.  

Xuất khẩu công nghệ   

Henry Ma: Thông qua hoạt động trao đổi, chia sẻ và xuất khẩu các công nghệ hiện có, các ngân hàng thương mại tại thành phố và cả nông thôn ở Trung Quốc có thể xây dựng nên các giải pháp ngân hàng số tinh vi đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng. Không chỉ đạt được những thành công nhất định tại quốc gia tỷ dân, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở khẳng định tính khả dụng và hiệu quả của giải pháp mà WeBank đã xây dựng thực sự có thể ứng dụng trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi cũng nhận thấy khả năng ứng dụng các công nghệ này đối với các nền kinh tế đang phát triển, nơi tỷ lệ bao phủ của ngân hàng số còn thấp và chi phí hỗ trợ cao.  

Một số đề xuất đối với các công ty đang hướng tới “ngân hàng số”  

Henry Ma: Để đạt được thành công và duy trì sự phát triển của một tổ chức trong dài hạn, cần có những bí quyết. Với kinh nghiệm từ một ngân hàng số lớn nhất tại Trung Quốc, chúng tôi đánh giá rất cao các mục tiêu lớn, nhưng hoàn toàn có thể bắt đầu thực hiện từ những bước đi nhỏ và chắc chắn nhất, từ hoạch định tới nắm bắt các cơ hội. Để đạt được mục tiêu cần một kế hoạch chi tiết và phù hợp, bắt đầu bằng các bước tiến nhỏ, từ từ. Với hướng đi đúng đắn cùng các bước đi chắc chắn sẽ giúp tổ chức gặt hái những thành tựu lớn.  

Tổng kết  

Cuộc nói chuyện với Henry Ma từ WeBank đã chỉ ra rằng mọi thứ họ đang làm đều tập trung vào công nghệ, dữ liệu và khả năng ứng dụng phân tích để đưa ra giải pháp kịp thời. WeBank đã tìm ra giải pháp thu thập dữ liệu và khách hàng có thể thực hiện quy trình giao dịch chỉ trong vài giây, với chi phí 0,5 đô la.  

Với sự phát triển của công nghệ mở, hành trình của WeBank sẽ không dừng lại tại Trung Quốc, trong tương lai không xa, có thể, các sản phẩm và dịch vụ số của họ sẽ bước vào thị trường phương Tây. Thậm chí, giả thuyết về một hoặc nhiều tổ chức có khả năng ứng dụng công nghệ số của WeBank là hoàn toàn khả thi.  

Nguồn: https://thefinancialbrand.com/news/banking-trends-strategies/digital-banking-transformed-podcast-china-webank-henry-ma-104213/  

Liên hệ với chúng tôi