Chữ ký số là gì? Những điều cần biết về chữ ký số 

Table of Contents

Nhờ quy trình tinh gọn, tính bảo mật cao và khả năng chống chối bỏ, chữ ký số đang ngày càng phổ biến và dần được công nhận như một phương thức ký mới trong thời đại số hóa. Vậy chữ ký số là gì? Bài viết này chính là câu trả lời dành cho bạn.  

Chữ ký số là gì? 

Quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP giải thích chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Chữ ký số đóng vai trò như một chữ ký tay cá nhân hoặc con dấu của doanh nghiệp, đảm bảo tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và được thừa nhận về mặt pháp lý khi giao dịch trên môi trường điện tử như: ký hợp đồng điện tử, ký kê khai thuế, ký phát hành hóa đơn điện tử, ký giao dịch tài chính…   

Thông tin được mã hóa bao gồm: tên của doanh nghiệp (mã số thuế, tên công ty…), số hiệu chứng minh thư, tên tổ chức chứng thực chữ ký số… 

Chữ ký số là gì? Những điều cần biết về chữ ký số

Giá trị pháp lý của chữ ký số 

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng (có giá trị pháp lý) nếu thông điệp đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn. 

Chữ ký số an toàn cần thỏa mãn các điều kiện như sau: 

1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó. 

2. Chứng thư số cho công dân, doanh nghiệp dùng để ký số sẽ do Nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng – CA được cấp phép cung cấp.  

3. Đảm bảo khóa bí mật thuộc sở hữu duy nhất của người ký. Chỉ người ký mới có thể kích hoạt khóa ký. 

Cấu tạo của chữ ký số 

Chữ ký số được tạo nên từ thuật toán RSA – thuật toán mật mã hóa khóa công khai, bao gồm hệ thống một cặp khóa (Key Pairs) không đối xứng: một khóa công khai (Public Key) và một khóa bí mật (Private Key). Trong đó:  

Khóa bí mật: là khóa được sử dụng để tạo ra chữ ký số. 

Khóa công khai: có chức năng thẩm định chữ ký và xác thực người dùng, thường được tạo nên từ các cặp khóa bí mật tương ứng. 

Người ký: cá nhân sử dụng khóa bí mật để ký một số thông điệp dữ liệu dưới danh nghĩa của mình. 

Người nhận: tổ chức hoặc cá nhân nhận được chữ ký số, sau đó tiến hành sử dụng chứng thư số để kiểm tra chữ ký và cuối cùng là tiến hành các hợp đồng, giao dịch liên quan. 

Ký số: đưa khóa bí mật vào một phần mềm tự động để tạo nên chữ ký số và gắn vào một thông điệp dữ liệu mà bạn muốn. 

Doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân muốn tạo chữ ký số thì cần có chứng thư số trước tiên. 

>> Xem thêm: Chứng thư số là gì

Đặc điểm của chữ ký số 

Chữ ký số có những đặc điểm ưu việt sau đây: 

  • Tính xác thực: Chữ ký số có khả năng xác thực danh tính chủ nhân của chữ ký số thông qua chứng thư số của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 
  • Tính toàn vẹn: Mọi thay đổi, sửa xóa dù là nhỏ nhất trên tài liệu đều sẽ bị phát hiện. 
  • Tính chống chối bỏ: Chữ ký số được chủ sở hữu tạo lập có chủ đích, không bị giả mạo hay được tạo do một tai nạn ngẫu nhiên nào đó thông qua những phương thức kỹ thuật từ nhà cung cấp dịch vụ tin cậy và giải pháp ký số. 

4 loại chữ ký số phổ biến hiện nay 

Một số loại chữ ký số được sử dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến như:  

  • Chữ ký số USB Token: loại chữ ký số được mã hóa trong một chiếc USB.  
  • Chữ ký số SIM PKI: thông tin chữ ký số được thiết lập sẵn trên SIM điện thoại do các nhà mạng phát triển. 
  • Chữ ký số HSM (Hardware Security Module): loại chữ ký số thường được sản xuất dưới dạng một card PCI cắm vào máy tính hoặc một thiết bị độc lập có kết nối mạng. 
  • Chữ ký số từ xa (Remote Signing): loại chữ ký số sử dụng công nghệ đám mây (cloud-based), cho phép người dùng ký trực tiếp trên thiết bị điện tử mà không cần thiết bị phần cứng đi kèm. Đây là loại chữ ký số được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt nhất. 

Chữ ký số dùng để làm gì? 

Đối tượng sử dụng chữ ký số là mọi công dân, cá nhân trong tổ chức/doanh nghiệp và các cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp.Chữ ký số được dùng để thực hiện các giao dịch điện tử, các thủ tục hành chính công, ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử. Cụ thể như sau: 

Đối với cá nhân:  

  • Thực hiện thủ tục hành chính công trên cổng dịch vụ công 
  • Kê khai thuế, nộp thuế, đóng BHXH điện tử  
  • Thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh 
  • Kê khai thuế, nộp thuế 
  • Hoá đơn điện tử  
  • Ký hợp đồng điện tử/hợp đồng lao động điện tử 
  • Thủ tục y tế 
  • Thanh toán, mua bán hàng hóa, giao dịch thương mại điện tử 
  • Ký email, ký kết văn bản điện tử 

Đối với tổ chức, doanh nghiệp: 

  • Kê khai thuế, hải quan điện tử 
  • Hóa đơn điện tử 
  • Khai hồ sơ BHXH điện tử 
  • Khai báo thống kê điện tử 
  • Nộp thuế điện tử 
  • Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước 
  • Hải quan điện tử 
  • Giao dịch ngân hàng điện tử 
  • Đăng ký doanh nghiệp 
  • Mua bán, thanh toán qua mạng, thương mại điện tử B2B 
  • Ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, văn bản điện tử 
  • Chứng từ trong giao dịch nội bộ như: Phiếu tạm ứng, Phiếu thu, Phiếu chi, báo cáo quản trị,… 

Đối với cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp: 

  • Nghiệp vụ nội bộ: Ký xác nhận văn bản điện tử, email, login hệ thống bảo mật công ty; ký chứng từ trong giao dịch nội bộ như: thanh toán tạm ứng, phiếu thu, phiếu chi,… 
  • Giao dịch được tổ chức ủy quyền: Giao dịch/thanh toán thương mại điện tử, ký kết văn bản điện tử, ngân hàng điện tử,… 

Trên đây là những giải đáp chi tiết của SAVIS cho câu hỏi chữ ký số là gì. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, khách hàng vui lòng liên hệ tại đây hoặc tổng đài 1900 636 156 để được hỗ trợ nhanh nhất. 

Liên hệ với chúng tôi