Trong bối cảnh stablecoin và crypto phát triển nhanh, nhiều quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm hoặc triển khai CBDC để duy trì vai trò chủ đạo của ngân hàng trung ương trong hệ thống tiền tệ.
Về CBDC – Đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành
Central Bank Digital Currency (CBDC) được gọi là tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương – là tiền pháp định dưới dạng số, một dạng mới của tiền ngân hàng trung ương. CBDC có đơn vị tài khoản quốc gia và được đảm bảo bằng tài sản do ngân hàng trung ương nắm giữ. Ngân hàng trung ương công nhận độ tin cậy và sự hợp pháp của việc phát hành CBDC.
CBDC ra đời nhằm mục tiêu:
- Tăng hiệu quả hệ thống thanh toán
- Mở rộng tài chính toàn diện
- Chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
- Đáp ứng xu hướng số hóa trong tiêu dùng và tài chính toàn cầu
![[Báo cáo toàn diện về Stablecoin] Sự phát triển của CBDC trên thế giới và Việt Nam (phần 4) 1 Ve CBDC Dong tien ky thuat so do Ngan hang Trung uong phat hanh](https://savis.vn/wp-content/uploads/2025/05/Ve-CBDC-Dong-tien-ky-thuat-so-do-Ngan-hang-Trung-uong-phat-hanh-.jpg)
Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật và chiến lược tài chính, mỗi quốc gia lại chọn một phương án khác nhau trong triển khai CBDC, có thể kể đến ba mô hình triển khai CBDC chủ đạo:
- CBDC bán lẻ (retail CBDC): Được phát hành cho công chúng – bao gồm cá nhân và doanh nghiệp nhỏ – với mục tiêu thay thế hoặc bổ sung tiền mặt. Mô hình này phổ biến tại các nước đang phát triển, nơi thanh toán điện tử chưa phổ cập.
- CBDC bán buôn (wholesale CBDC): Chỉ dành cho các tổ chức tài chính lớn để thanh toán liên ngân hàng hoặc các giao dịch giá trị lớn. Mô hình này thường được áp dụng trong thử nghiệm xuyên biên giới.
- CBDC đa mục đích: được thiết kế để có thể tiếp cận cả người dùng theo định nghĩa bán buôn và bán lẻ.
Tình hình triển khai CBDC trên thế giới
Theo dữ liệu mới nhất từ Atlantic Council năm 2024, có 134 quốc gia đại diện cho 98% GDP toàn cầu đang xem xét phát hành CBDC, tăng gấp 4 lần so với mức 35 quốc gia vào tháng 5/2020. Trong số đó, 66 quốc gia đã bước sang giai đoạn phát triển, thí điểm và ra mắt. Cùng với đó, khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) với 25 nền kinh tế phát triển và 56 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (chiếm 76% dân số và 94% GDP toàn cầu), đã có trên 90% ngân hàng trung ương tiến hành nghiên cứu về CBDC, 62% đã đi vào thử nghiệm kỹ thuật và 26% đang trong quá trình thử nghiệm.
Dưới đây là một số quốc gia tiêu biểu đã và đang thí điểm thử nghiệm và triển khai CBDC trong thực tế.
Bahamas
Bahamas là nước tiên phong trong việc phát hành CBDC chính thức với tên gọi Sand Dollar, ra mắt vào tháng 10/2020 sau khi triển khai thử nghiệm tại quần đảo Exuma và Abaco từ năm 2019. Mục tiêu chính của Sand Dollar là thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại những khu vực hẻo lánh, nơi dịch vụ ngân hàng truyền thống khó tiếp cận. Hệ thống sử dụng công nghệ DLT do NZIA – một công ty chuyên về các giải pháp công nghệ DLT (Distributed Ledger Technology) và chuỗi khối (blockchain) tại Bahamas phát triển, với các tính năng như thanh toán ngoại tuyến và giới hạn giao dịch cho các cấp độ tài khoản thấp hơn nhằm tăng cường bảo mật. Sau cơn bão năm 2019, Sand Dollar đã được triển khai tại Abaco để hỗ trợ phục hồi kinh tế, thể hiện vai trò quan trọng của CBDC trong việc duy trì sự ổn định tài chính trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, việc áp dụng còn gặp khó khăn do sự không đồng đều về hạ tầng công nghệ và mức độ chấp nhận của người dân còn hạn chế.
Nigeria
Nigeria là quốc gia tiên phong tại châu Phi trong việc triển khai tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) với đồng eNaira, ra mắt vào tháng 10 năm 2021. Mặc dù có mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và giảm chi phí giao dịch, việc triển khai eNaira gặp nhiều thách thức, trong đó nổi bật là mức độ chấp nhận rất thấp từ phía người dân – theo IMF, đến năm 2023, 98,5% ví eNaira được mở ra chưa từng được sử dụng. Các nguyên nhân chính bao gồm hạ tầng kỹ thuật còn yếu, thiếu niềm tin vào hệ thống, hiểu biết hạn chế về sản phẩm, và sự cạnh tranh mạnh từ tiền mặt, ví điện tử và tiền mã hóa. Dù vậy, lượng eNaira lưu thông đã tăng từ 2,55 tỷ lên 12,53 tỷ naira (tương đương gần 8 triệu USD) vào đầu năm 2024. Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) đã bắt đầu hợp tác với các đối tác công nghệ như Gluwa để cải thiện hạ tầng, đồng thời cam kết đánh giá lại chiến lược triển khai trong năm 2025 nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thực tế của CBDC này.
Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những nước triển khai CBDC quy mô lớn nhất – e-CNY (Nhân dân tệ số). Từ năm 2020, e-CNY đã được thử nghiệm tại hơn 20 thành phố lớn và tích hợp trong các app phổ biến như WeChat, Alipay. Một trong những điểm đặc biệt của e-CNY là khả năng thanh toán ngoại tuyến, cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay cả khi không có kết nối Internet, điều đặc biệt quan trọng ở những khu vực hẻo lánh. Hệ thống này sử dụng một kiến trúc công nghệ lai, trong đó công nghệ DLT chỉ được áp dụng ở những phần có lợi thế nhất định. Trung Quốc còn tích cực thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới với CBDC thông qua dự án mBridge với Thái Lan, UAE và Hồng Kông.
![[Báo cáo toàn diện về Stablecoin] Sự phát triển của CBDC trên thế giới và Việt Nam (phần 4) 2 Tinh hinh trien khai CBDC tren the gioi](https://savis.vn/wp-content/uploads/2025/05/Tinh-hinh-trien-khai-CBDC-tren-the-gioi-1024x584.jpg)
Kết quả, e-CNY đã được chấp nhận tại nhiều điểm bán lẻ, ứng dụng trong chi trả lương, hỗ trợ chính sách. Tuy nhiên, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã chia sẻ tính đến tháng 5/2024, tổng khối lượng giao dịch cho e-CNY đã đạt giá trị 910 tỷ USD vẫn còn hạn chế so với thị trường thanh toán tổng thể của Trung Quốc có giá trị khoảng 40,3 nghìn tỷ USD. Vì vậy, CNY điện tử còn một chặng đường dài trước khi nó chiếm được khối lượng giao dịch đáng kể. Một lý do lớn việc thay thế tiền mặt chưa diễn ra rộng rãi là do công chúng lo ngại sử dụng CBDC có thể khiến họ bị giám sát quá mức. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các chính sách bảo mật và đảm bảo quyền riêng tư của người dân khi triển khai CBDC.
Ấn Độ
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã thử nghiệm CBDC bán lẻ (retail digital rupee) tại 4 thành phố từ cuối 2022. Đến nay, chương trình thí điểm rCBDC của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ hiện có khoảng 5 triệu người dùng và đã tích hợp hệ thống mã QR tiêu chuẩn để có thể kết nối liên thông với các phương thức thanh toán khác. Hiện tại, công việc đang được tiến hành để bổ sung các chức năng quan trọng vào chương trình thí điểm, trong đó hướng tới việc cho phép thanh toán ở các vùng nông thôn và xa xôi sẽ được thử nghiệm.
Nhìn chung, CBDC có tiềm năng hỗ trợ thanh toán tức thời, giảm chi phí in tiền và vận hành hệ thống, tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, cũng phát sinh lo ngại về quyền riêng tư, rủi ro an ninh mạng và tác động đến hệ thống ngân hàng thương mại.
Về CBDC tại Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam chưa phát hành CBDC nhưng có thể hiện rõ sự quan tâm và định hướng chiến lược. Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những biện pháp ứng phó đối với nhu cầu sử dụng tiền kỹ thuật số ngày càng gia tăng thông qua một số quy định liên quan đến việc quản lý tài sản số, tiền ảo và tiền số. Hành trình này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Năm 2021, Quyết định 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, thí điểm CBDC giai đoạn 2021–2023. Cùng với đó, năm 2023, Nghị quyết số 50/NQ-CP nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghệ tài chính (fintech), bao gồm nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số. NHNN đã thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên trách về tiền kỹ thuật số và phối hợp với các tổ chức quốc tế để tìm hiểu mô hình phù hợp.
![[Báo cáo toàn diện về Stablecoin] Sự phát triển của CBDC trên thế giới và Việt Nam (phần 4) 3 CBDC in Vietnam](https://savis.vn/wp-content/uploads/2025/05/CBDC-in-Vietnam.jpg)
Tại Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sáng 27/3/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đề cập tới việc sắp tới Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tiền số, khẳng định vai trò lớn của ngân hàng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, thanh quyết toán, đồng thời đảm bảo đồng stablecoin có giá trị ổn định. Liên quan đến thí điểm quản lý tài sản mã hóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm về phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, đề xuất cơ chế phối hợp với Bộ Công an và NHNN nhằm thúc đẩy thị trường, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an ninh tài chính và sự ổn định của hệ thống tiền tệ.
Cùng với đó, theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, từ ngày 1/7/2025, Chính phủ cho phép triển khai thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên công nghệ Fintech, bao gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua Open API và cho vay ngang hàng. Kết quả từ quá trình thử nghiệm sẽ là cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý chính thức cho hoạt động Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là tín hiệu tích cực, mở đường cho sự phát triển của công nghệ tài chính và tiền điện tử tại Việt Nam.
Có thể thấy, CBDC là bước tiến tất yếu trong xu hướng số hóa hệ thống tiền tệ toàn cầu. Qua những trường hợp triển khai cụ thể tại các quốc gia ở mục 3, có thể thấy rằng, không có một mô hình CBDC nào phù hợp cho tất cả, mà cần được điều chỉnh theo đặc thù kinh tế và chính sách tiền tệ của từng nước.
Việt Nam hiện chưa phát hành CBDC nhưng đã có chủ trương và đang chuẩn bị về mặt chính sách. Việt Nam cần tận dụng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã và đang triển khai để xây dựng mô hình phù hợp với bài toán kinh tế trong nước cũng như bắt kịp với xu hướng tài chính toàn cầu.
Đọc thêm:
[Báo cáo toàn diện về Stablecoin] Stablecoin là gì? Các stablecoin phổ biến hiện nay – phần 1