Hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng hiệu suất kinh doanh và thúc đẩy chuyển đổi số, song, xung quanh việc sử dụng hợp đồng điện tử luôn có rất nhiều thắc mắc về giá trị hay tính pháp lý của hợp đồng. Dưới đây là tổng hợp 08 câu hỏi về hợp đồng điện tử mà các doanh nghiệp, tổ chức thường gặp phải.
Câu hỏi 1: Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý không?
Câu trả lời: Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý.
Theo luật Giao dịch điện tử 2023: Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện. Nghĩa là, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Đọc thêm: Hợp đồng điện tử – Tự tin ký kết hợp đồng trực tuyến, không gián đoạn và không giấy tờ
Câu hỏi 2: Hợp đồng điện tử và hợp đồng điện tử có tích xanh khác nhau như nào?
Hợp đồng điện tử có tích xanh là hợp đồng được chứng thực bởi các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA), được Bộ Công thương cấp đăng ký. Các bên chủ thể ký có thể tra cứu tính xác thực của hợp đồng trên Cổng xác thực hợp đồng điện tử Việt Nam.
Hợp đồng điện tử có chứng thực của CeCA sẽ đảm bảo tính pháp lý, tính bảo mật, tính toàn vẹn và chống chối bỏ của hợp đồng điện tử.
Câu hỏi 3: Doanh nghiệp kiểm tra tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử có tích xanh bằng cách nào?
Câu trả lời: Doanh nghiệp, tổ chức truy cập trang web https://xacthuc.ceca.gov.vn/ và upload file hợp đồng để kiểm tra.
Đọc thêm: Hợp đồng điện tử có tích xanh là gì? An toàn, bảo mật với hợp đồng có chứng thực của CeCA
Câu hỏi 4: Hợp đồng giấy chuyển đổi sang hợp đồng điện tử và ngược lại có giá trị pháp lý không?
Câu trả lời:
Căn cứ tại khoản 1 và 2, Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023, hợp đồng giấy có thể chuyển đổi sang hợp đồng điện tử miễn thông điệp dữ liệu đáp ứng đủ các yêu cầu:
a) Thông tin trong thông điệp dữ liệu/văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy/thông điệp dữ liệu;
b) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; Hoặc có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;
c) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;
d) Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng ba yêu cầu trên và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy/thông điệp dữ liệu sang thông điệp dữ liệu/văn bản giấy.
Đáp ứng được các yêu cầu trên, văn bản giấy chuyển đổi từ hợp đồng điện tử và ngược lại được công nhận giá trị pháp lý.
Câu hỏi 5: Các bên tham gia ký kết hợp đồng điện tử có thể sử dụng các chữ ký số từ các đơn vị cung cấp ký số khác nhau được không?
Câu trả lời: Được.
Các bên tham gia ký kết hợp đồng điện tử có thể sử dụng chữ ký số của một hoặc nhiều đơn vị cung cấp ký số mà vẫn được pháp luật bảo vệ về mặt pháp lý.
Câu số 6: Sự khác nhau giữa chữ ký điện tử và chữ ký số trên hợp đồng điện tử là gì?
Câu trả lời:
Theo Luật Giao dịch điện tử 2023, “chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.”
Hiểu đơn giản, chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video…) nhằm mục đích xác minh thông tin của người sở hữu dữ liệu, đồng thời xác nhận sự thỏa thuận của người này với văn bản đã ký trong các giao dịch điện tử. Hay nói cách khác, trên môi trường điện tử, bất kỳ dạng thông tin nào được sử dụng để nhận biết một con người đều được coi là chữ ký điện tử.
Trong khi đó, “chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ, nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.” (theo Luật Giao dịch điện tử 2023)
Nói cách khác, chữ ký số được hiểu là một loại chữ ký điện tử, được hình thành dựa trên công nghệ mã hóa khóa công khai (RSA): bao gồm 1 cặp khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key) nhằm bảo mật, xác thực toàn vẹn và chống chối bỏ tài liệu.
Điểm giống nhau
Về cơ bản, chữ ký số và chữ ký điện tử đều mang lại những lợi ích như:
- – Thay thế chữ ký tay, việc ký kết có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào, không phụ thuộc vào lịch trình công tác của người ký.
- – Tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn.
Điểm khác biệt
Tuy nhiên, về bản chất, chữ ký điện tử và chữ ký số có nhiều điểm khác biệt lớn về cả tính chất, chức năng cũng như cơ chế xác thực.
Chữ ký điện tử | Chữ ký số | |
Tính chất | Có thể là bất kỳ biểu tượng, hình ảnh nào được đính kèm với văn bản hoặc tài liệu biểu thị danh tính của người ký và sự chấp thuận với nội dung đã ký. | Được hình dung giống như chứng minh thư điện tử, được mã hóa và xác định danh tính người đã ký văn bản, tài liệu đó. |
Tiêu chuẩn | Không phụ thuộc vào bất kỳ tiêu chuẩn mã hóa nào | Phụ thuộc vào tiêu chuẩn mã hóa dựa trên hạ tầng khóa công khai PKI |
Chức năng | Xác minh nguồn gốc tài liệu | Bảo mật tài liệu, xác minh danh tính người ký số |
Cách tạo lập | Có thể là một hình ảnh được tải lên, một cái nhấp chuột, một chữ ký được vẽ trên màn hình, một chữ ký được gõ bằng phông chữ viết tay (script) đặc biệt, một bản nhạc hay bất kỳ một dữ liệu điện tử nào. | Người dùng cần đăng ký sử dụng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số có chứng nhận của Bộ TT&TT |
Cơ chế xác thực thông tin | Xác minh danh tính người ký thông qua email, mã PIN điện thoại… | Xác thực người ký qua thông tin trên chứng thư số |
Bảo mật | Dễ bị giả mạo, không thể phát hiện khi có sự sửa xóa tài liệu | Độ an toàn cao, khó có thể sao chép, giả mạo hoặc thay đổi |
Chữ ký số là một tập con của chữ ký điện tử. Trong đó, chữ ký số có độ bảo mật cao hơn và an toàn hơn khi sử dụng.
Xem thêm tại: https://savis.vn/chu-ky-dien-tu-va-chu-ky-so/
Câu hỏi 7: Nếu công ty ký hợp đồng điện tử bằng chữ ký số, đối tác dùng chữ ký điện tử có được không?
Câu trả lời: Được. Chữ ký điện tử, chữ ký số đều có thể được sử dụng để ký hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, chữ ký điện tử không thể đảm bảo tính toàn vẹn, chống chối bỏ về nội dung và tính định danh, xác thực người ký, thời gian ký giống như chữ ký số. Đây là rủi ro lớn khi sử dụng chữ ký điện tử trên hợp đồng điện tử. Doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này trước khi thống nhất lựa chọn phương thức ký hợp đồng điện tử.
Câu hỏi 8: Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào?
Câu trả lời:
Hợp đồng điện tử có giá trị về mặt pháp luật tương đương với hợp đồng giấy truyền thống. Chính vì thế, hiệu lực của hợp đồng điện tử sẽ giống với hợp đồng giấy và đã được quy định rõ ràng tại điều 401, Bộ Luật dân sự 2015:
- – Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
- – Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết.
Như vậy, hợp đồng điện tử có hiệu lực từ thời điểm giao kết hợp pháp trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Trên đây là 08 câu hỏi thường gặp của các tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng hợp đồng điện tử. Hi vọng bài viết này đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp phần nào gỡ rối được các thắc mắc khi sử dụng hợp đồng điện tử.
Kết nối ngay với chuyên gia của SAVIS để tìm hiểu thêm về giải pháp hợp đồng điện tử ngay hôm nay!