2025 – Năm của các stablecoin thanh toán (PSC)

Table of Contents

Các stablecoin thanh toán đang chuyển từ các giao dịch người dùng đến người dùng sang các ứng dụng thanh toán B2B và B2C chính thống, tạo nên những biến đổi lớn trong thanh toán truyền thống, một lĩnh vực thường thuộc về các ngân hàng. Theo đánh giá từ Deloitte, năm 2025 sẽ là năm của stablecoin thanh toán.

1. Stablecoin là gì?

Stablecoin được hiểu đơn giản là đồng tiền ổn định, với “stable” mang ý nghĩa là “vững vàng, đáng tin, cân bằng”. Thông qua việc neo giá trị của tài sản vào tiền pháp định (fiat) hoặc vàng, stablecoin có thể giữ cho giá trị của đồng tiền điện tử luôn ở mức ổn định. Nó thừa hưởng tính chất phi tập trung của blockchain, đảm bảo tính bảo mật và được kiểm soát chặt chẽ.

Trong đó, stablecoin thanh toán (Payment Stablecoin – PSC) là stablecoin được thiết kế để sử dụng trong thanh toán. PSC có thể cải thiện hệ thống thanh toán, giảm chi phí giao dịch và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, chúng cũng có thể gây ra rủi ro hệ thống.

2025 – Nam cua cac stablecoin thanh toan 3 2

2. Tình hình phát triển của Stablecoin

PSC đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với vốn hóa thị trường tăng lên hàng trăm tỷ USD. Chúng được sử dụng phổ biến trong giao dịch tiền điện tử, thanh toán xuyên biên giới và tài chính phi tập trung (DeFi).

3. Quy định và chính sách

Các chính phủ trên thế giới đang tìm cách điều chỉnh PSC nhằm đảm bảo sự minh bạch và giảm rủi ro tài chính. Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, EU và Singapore đã đề xuất các quy định mới để giám sát thị trường này.

Tại Hoa Kỳ, cho đến nay, việc phát hành PSC chủ yếu được thực hiện bởi các tổ chức phi ngân hàng và các công ty crypto. Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi khi khả năng sẽ có một khung pháp lý quốc gia rõ ràng và nhất quán của Hoa Kỳ cho việc phát hành PSC. Nhìn vào năm 2025, nhiều yếu tố đang khuyến khích các công ty tài chính “truyền thống” (không phải crypto) xem xét việc trở thành nhà phát hành PSC, từ sự gia tăng vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch của các stablecoin được neo bởi các đồng tiền pháp định (fiat), kết hợp với tín hiệu từ chính quyền mới, các cơ quan quản lý ngân hàng đến những biến chuyển trong Quốc hội Hoa Kỳ khi đang hướng tới ban hành những quy định về PSC.

2025 – Nam cua cac stablecoin thanh toan 4

4. Xu hướng trong năm 2025

  • Chính phủ phát hành stablecoin (CBDC): Một số ngân hàng trung ương đang xem xét phát hành tiền kỹ thuật số.
  • Tích hợp với hệ thống ngân hàng: Stablecoin có thể được chấp nhận rộng rãi hơn trong ngành tài chính truyền thống.
  • Tăng cường quy định pháp lý: Các quy định mới sẽ giúp thị trường ổn định và phát triển bền vững.

5. Tiềm năng của PSC

Các PSC cho phép thanh toán ngay lập tức với chi phí thấp. Chúng khuyến khích người dùng chuyển từ các hệ thống tài chính hoặc thanh toán truyền thống sang các mạng blockchain, đồng thời tránh được sự rủi ro và biến động lớn của các loại tiền điện tử không được hỗ trợ bởi fiat (ví dụ: bitcoin). Khi vốn hóa thị trường của các PSC đã tăng lên hơn 200 tỷ đô la, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang tạo ra các nền tảng để cho phép thanh toán bằng PSC.

2025 – Nam cua cac stablecoin thanh toan 10
Nguồn: DefiLIama, “Stablecoins circulating”, accessed March 11, 2025

Vốn hóa thị trường và khối lượng của PSC cho đến nay chủ yếu đến từ các hoạt động giao dịch tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số. PSC đã cung cấp một phương tiện trao đổi ổn định, đặc biệt trong những giai đoạn biến động thị trường. Tuy nhiên, tính ứng dụng cho PSC ngày càng vượt ra khỏi giao dịch tài sản kỹ thuật số. Chúng được sử dụng trong các giao dịch chuyển tiền và thanh toán không liên quan đến tài sản kỹ thuật số, cung cấp một lựa chọn nhanh hơn và tiết kiệm hơn cho các giao dịch thanh toán đang phụ thuộc vào hệ thống tài chính truyền thống. PSC đang được sử dụng như là sự thay thế, hay như một phần mở rộng của đồng tiền pháp định (fiat).

Để các PSC thực sự phát huy tiềm năng của chúng, cần có những bước tiến hơn nữa để giảm bớt các rào cản trong các thanh toán bán lẻ và thương mại. Điều này bao gồm việc nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và thúc đẩy sự chấp nhận PSC rộng rãi hơn trong các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bằng cách giải quyết những thách thức này, PSC có thể mang đến những thay đổi đáng kể trong giao dịch tài chính toàn cầu, khiến chúng trở nên nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

6. Rủi ro của PSC

Trong khi các PSC mở ra nhiều cơ hội, chúng cũng đối mặt những rủi ro đáng kể mà các nhà phát hành phải đối mặt, bao gồm cả những khó khăn liên quan đến việc vừa phải hoạt động trong môi trường pháp lý tài chính truyền thống vừa phải thích nghi với hệ sinh thái crypto.

Bảo mật mạng và bảo vệ dữ liệu: Các cuộc tấn công mạng có thể dẫn đến việc đánh cắp PSC và private key, gây tổn thất tài chính, rủi ro pháp lý và sự suy giảm lòng tin của người dùng. Hơn nữa, các sự cố công nghệ, như sự cố trong mạng blockchain, có thể làm gián đoạn hoạt động của PSC gây chậm trễ hoặc thất bại trong giao dịch. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà phát hành nên triển khai các biện pháp bảo mật mạng mạnh mẽ, bao gồm xác thực đa yếu tố, đánh giá lỗ hổng định kỳ và các kế hoạch ứng phó sự cố toàn diện, đồng thời trang bị cơ sở hạ tầng với khả năng phục hồi và xử lý khối lượng giao dịch cao.

Chống rửa tiền: Các nhà phát hành PSC cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chống rửa tiền (AML). Việc không tuân thủ có thể khiến nhà pháp hành đối mặt với những đòn pháp lý của cơ quan có thẩm quyền như phạt tiền, hạn chế hoạt động và thậm chí là yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà phát hành phải triển khai các quy chế tuân thủ toàn diện bao gồm các quy trình AML và KYC mạnh mẽ, thẩm định khách hàng kỹ lưỡng, lưu trữ hồ sơ chi tiết về các giao dịch và báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền.

Rủi ro từ hệ thống blockchain và hợp đồng thông minh (smart contract): Sự phụ thuộc vào công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh gây ra những rủi ro đặc thù. Hợp đồng thông minh có thể chứa các lỗ hổng dễ dàng bị khai thác. Thêm vào đó, hệ thống blockchain có thể gặp phải sự cố về phân nhánh, tắc nghẽn do quá tải hoặc các vấn đề kỹ thuật khác làm ảnh hưởng đến hiệu suất giao dịch. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà phát hành PSC nên thường xuyên theo dõi, đánh giá độ tin cậy và hiệu suất của các hợp đồng thông minh, cơ sở hạ tầng  blockchain. Từ đó, đưa ra các kế hoạch ứng phó sự cố toàn diện.

Rủi ro mất giá của stablecoin: Rủi ro chính liên quan đến PSC là khả năng mất giá, khi các PSC không giữ được tỷ lệ với vật neo giá như ban đầu (ví dụ: tỷ lệ 1:1 với đồng USD). Mất giá có thể xảy ra do các hoạt động đúc (minting) và đốt (burning) token cũng như quản lý dự trữ. Để giảm thiểu rủi ro này, các nhà phát hành nên duy trì một môi trường kiểm soát mạnh mẽ đảm bảo các hoạt động đúc và đốt chính xác, cũng như quản lý dự trữ hiệu quả.

Rủi ro vận hành và thị trường: Các nhà phát hành PSC cũng phải đối mặt với các rủi ro vận hành, chẳng hạn phát sinh lỗi do con người, hành vi gian lận nội bộ, điều này có thể làm mất sự ổn định và độ tin cậy của hoạt động PSC. Thêm vào đó, các rủi ro thị trường, bao gồm sự biến động trong giá trị của các loại tài sản dự trữ, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và giá trị của PSC. Để giảm thiểu những vấn đề này, các nhà phát hành phải thực hiện các kiểm soát nội bộ mạnh mẽ, khung quản lý rủi ro và quản trị hiệu quả.

Với cơ hội và thách thức đó, stablecoin thanh toán vẫn đang phát triển mạnh mẽ, có tiềm năng phát triển thành một công cụ tài chính quan trọng trong kinh tế toàn cầu nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi và chi phí thấp. Năm 2025 có thể là bước ngoặt lớn của stablecoin thanh toán về cả giá trị vốn hóa, khối lượng giao dịch và hành lang pháp lý. Hãy cùng chờ đợi những biến động mới của thị trường.

Nguồn tham khảo: Deloitte

Liên hệ với chúng tôi